Góc đan móc len – Đôi điều bạn muốn biết?

Nếu bạn là người mới bắt đầu hoặc đơn giản là bạn muốn hiểu thêm về đan móc len thì bạn có thể tìm được nhiều thông tin cần thiết trong bài viết này. Không chỉ hướng dẫn về các dụng cụ cơ bản, cách phân biệt các tên gọi của len mà còn là những chia sẻ hữu ích khác.

ĐAN MÓC LEN NGÀY ẤY & BÂY GIỜ

Đan móc len có từ rất lâu đời trên thế giới. Ở Việt Nam vào những năm 1980 trở về trước, đan móc len được xem là công việc nữ công gia chánh nên hầu hết các chị em phụ nữ đều biết đan móc. Sản phẩm ngày ấy là những gì thật thiết thực như áo len, áo khoác, nón, khăn choàng, …

Nhưng với sự phát triển mạnh mẽ của ngành dệt may đã khiến nghề thủ công này dần mai một.
Tuy nhiên trong những năm gần đây ngành nghề thủ công có sự chuyển mình rõ rệt trong đó có đan móc len.
Không dừng lại chỉ là những cái áo hay cái khăn mà sản phẩm đan móc ngày càng đa dạng và tinh tế hơn. Từ những món đồ chơi xinh xắn như thú nhồi bông, búp bê cho đến vật dụng trang trí như chậu hoa các loại hay thời trang như túi xách, giày dép, vòng tay, bikini, …đều có thể tạo nên từ đan móc.

Cùng với sự phát triển của Internet các chị em phụ nữ cũng như nam giới cũng có thể học đan móc một cách nhanh chóng và dễ dàng.
Nếu dạo qua các trang mạng xã hội thì riêng đan móc len có gần cả trăm nhóm facebook với hàng chục ngàn thành viên. Không chỉ chia sẻ các bảng chart, kiến thức cơ bản, mẹo vặt, … mà các thành viên còn hướng dẫn hỗ trợ nhau rất tận tình.
Ngoài ra cũng có rất nhiều lớp học cho lĩnh vực này mà điển hình nhất là nhà văn hóa phụ nữ TP.HCM.

ĐAN MÓC LEN CƠ BẢN CẦN BIẾT NHỮNG GÌ?
Nếu bạn đang có ý định làm quen với đan móc len, hãy thử tìm hiểu qua một số thông tin liên quan dưới đây nhé!

1. Dụng cụ:

- Đan (Knitting): Thường sử dụng 2 que đan hoặc kim đan vòng, có thể dùng 3-4 que (khi phải đan vòng tròn). 
- Móc (crochet): Chỉ cần 1 que móc là đủ cho bạn sáng tạo vô tận.
Que đan & móc có nhiều kích thước khác nhau phụ thuộc vào kích cỡ sợi len. Thường thì hầu hết các sợi có thông tin kích thước để bạn chọn đúng kích cỡ.

2. Tìm hiểu về các loại sợi

Có rất nhiều loại sợi khác nhau với kích thước, chất liệu và tên gọi khác nhau. Dưới đây là một số sợi cơ bản:

► Len Arcylic (Arcylic/PAC): Được làm từ Polymer, là len nhân tạo nên đa dạng về màu sắc và kích thước sợi. Do đó bạn có thể giặt bằng máy mà không sợ bị nhão. Loại sợi này không gây dị ứng da nên có thể dùng cho trẻ em (100% Arcylic).  Về giá thành thì loại sợi này rất kinh tế phù hợp cho những người mới bắt đầu.
► Len Cotton (sợi bông): Được làm từ cây sợi bông do đó thấm hút nước rất cao, không gây dị ứng da và rất bền, có thể giặt bằng máy. Nhưng chỉ phù hợp làm khăn lau hoặc lót ly do sợi 100% cotton khá cứng & thô. Hiện nay có nhiều loại pha trộn giữa len cotton và len arcylic để tăng độ mềm.
► Len Polyester (PE): Là loại sợi tổng hợp với thành phần cấu tạo đặc trưng là ethylene. Sợi này thường kết hợp nhiều chất liệu khác nhau như Arcylic hay len từ lông cừu để tăng độ mềm.

► Len (tiếng Pháp: laine) dệt từ lông cừu và một số loài động vật khác như dê, lạc đà… Các loại len phổ biến:
    • Len lông cừu thường: Loại len này được lấy từ những đàn cừu đã thay lông được một lần. Len lông cừu mềm mại và đàn hồi tốt hơn len thường. Do đó len cừu ấm và bền hơn.
    • Len Cashmere: Loại len này được lấy từ lớp lông tơ của dê Kashmir (Cashmere) trong đợt thay lông mùa xuân. Một sợi xơ Cashmere có khả năng cách nhiệt gấp 8 lần so với len thường nên có khả năng giúp giữ ấm vào mùa đông. Đây còn là một loại len siêu nhẹ và có giá thành đắt nhất trong các loại len.

• Len Angora: Từ thỏ Angora với sợi mềm, mịn, mỏng và rất bông. Nhưng len Angora không đủ độ bền cần thiết nên người ta thường pha thêm các thành phần len, sợi khác.

    • Len lông cừu Merino: Có nguồn gốc từ giống cừu đặc biệt, là loại mềm nhất trong các loại lông cừu. Sợi có khả năng giữ nhiệt cực tốt, bền đẹp và không gây khó chịu cho da.

    • Len Alpaca: Họ lạc đà Nam Mỹ. Loại lông này mềm như Cashmere và nhẹ hơn lông cừu thông thường. Lông Alpaca giữ nhiệt tốt, mềm và bền.

3. Chuẩn bị gì khi đan móc len?
► Dụng cụ: Tìm mua len & kim móc/que đan ở chợ, các cửa hàng văn phòng phẩm hoặc các shop handmade. Chọn loại len không xù (Ví dụ cotton milk) & có kích thước vừa phải. Còn kim móc/que đan chọn loại vừa với kích thước sợi để khi móc không bị tuột.
► Chọn sản phẩm phổ biến với các mũi cơ bản để tập. Thường thì đan sẽ là khăn choàng còn móc sẽ là mũ. Bạn có thể tìm kiếm các cách móc khăn len đơn giản nhất hay các hướng dẫn cách móc mũ len, ... trong các diễn đàn về đan móc.
► Tìm hiểu & học các mũi cơ bản (Đan: Mũi lên, mũi xuống, mũi vòng, … . Móc: Mũi đơn, Mũi kép, mũi bính, ...). Trên mạng có nhiều hướng dẫn đan móc len cũng như sách dạy đan len từ cơ bản nhất.
► Khi đã thành thạo các mũi cơ bản, bạn có thể lên mạng tìm chart & hướng dẫn về mũi năng cao để tạo ra sản phẩm cầu kỳ & có hoa văn đẹp hơn.
► Tìm hiểu về cách phối màu sản phẩm cho hài hòa bắt mắt.

► Tập sử dụng thêm các dụng cụ nâng cao nếu cần.

4. Đan móc ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?
Theo đánh giá từ chuyên gia sức khỏe thì đan móc len sợi mang lại rất nhiều lợi ích sức khỏe.
► Khi đan móc các chuyển động nhịp nhàng cùng với sự tập trung vào công việc giúp bạn giảm căng thẳng, lo âu.
► Để tạo ra sản phẩm đẹp bạn phải đọc hiểu chart và nhiều hướng dẫn. Nhờ sử dụng càng nhiều não bộ thì bộ não càng khỏe mạnh.
► Các ngón tay vận động nhịp nhàng trong quá trình đan móc giúp sụn xương tay của bạn khỏe mạnh hơn.

Tuy nhiên bạn cần lưu ý tư thế ngồi khi ngồi đan móc để tránh đau nhức, mỏi lưng, đầu và vai cũng như tránh ảnh hưởng cột sống. Ngoài ra bạn hãy chăm sóc & bảo vệ đôi tay để tránh khô ráp do tiếp xúc nhiều với các loại sợi bằng cách dùng kem dưỡng da tay.

LỜI KẾT
Đan móc giờ đây không chỉ là một ngành nghề tạo thu nhập mà còn là một thú vui giúp bạn thư giãn, giải trí.
Dù mục đích là gì thì nghề đan móc thủ công luôn đòi hỏi bạn đặt hết tâm huyết vào sản phẩm. Ngoài sự tỉ mỉ thì người làm đan móc cần trau dồi năng cao kỹ năng cũng như sự sáng tạo để tạo ra sản phẩm không chỉ dùng được mà còn được khách hàng yêu thích.
Ngoài ra nếu bạn định hướng đưa sản phẩm của mình ra thị trường nước ngoài thì phải chú trọng nhập nguồn vật liệu an toàn. Do thị trường này yêu cầu rất gắt gao về chất lượng, bạn cần đưa sản phẩm đi kiểm định trước khi giới thiệu sản phẩm ra thị trường.
Hiện nay có rất nhiều anh chị & các bạn trẻ thành công trong việc phát triển ngành nghề đan móc. Nổi bật trong đó là chị Đoàn Thị Nga một nghệ nhân ưu tú của Việt Nam về lĩnh vực đan móc.

Mong rằng thời gian sắp tới sản phẩm đan móc len của Việt Nam xuất hiện nhiều hơn nữa không chỉ ở thị trường trong nước mà cả thị trường khó tính như Châu Âu.

Sưu tầm Internet

 


(*) Xem thêm

Bình luận
  • Đánh giá của bạn
Đã thêm vào giỏ hàng